Vụ việc 36 container điều trị giá 162 tỷ của Việt Nam đã mất hoàn toàn quyền kiểm soát vẫn không ai có thể lý giải được. Tổ chức tội phạm đã bằng cách nào đó đánh tráo toàn bộ chứng từ gốc.
Người lạ cầm chứng từ đến đòi lô hàng tại Ý
Những ngày này, Tham tán Thương mại tại Ý – ông Nguyễn Đức Thanh – đang di chuyển và làm việc liên tục tại các cảng biển cũng như với cơ quan hải quan nước bạn.
Thông tin báo về đáng giật mình, đã có người lạ cầm bộ chứng từ gốc của các DN xuất khẩu Việt Nam đến cảng đăng ký, nộp phí hải quan để nhận container hàng.
Đây là một trong số 36 container điều xuất khẩu từ Việt Nam có tổng trị giá 162 tỷ bị mất toàn bộ chứng từ gốc. Các DN đã mất hoàn toàn quyền kiểm soát và sở hữu với lô hàng. Theo thông lệ quốc tế, ai giữ giấy tờ gốc có thể đến nhận hàng.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) – ông Bạch Khánh Nhựt cho rằng, đây là dấu hiệu vụ việc có tính chất lừa đảo rõ ràng khi người đến đăng ký nhận hàng chưa hề thanh toán qua ngân hàng.
Cơ quan thương mại của Việt Nam tại Ý đã tạm thời ngăn chặn việc lấy hàng, container vẫn lưu tại cảng. Tuy nhiên, người lạ mặt đã nắm toàn bộ chứng từ nên xét trên nguyên tắc thương mại, họ sẽ sớm nhận được hàng từ hãng tàu. Nếu cố tình không giao hàng, hãng tàu sẽ bị khởi kiện. Những can thiệp hành chính không được chấp nhận trong trường hợp này.
Hình minh họa
Vai trò của đơn vị chuyển phát DHL và các ngân hàng Việt
Quay trở lại với sự việc được Vinacas đánh giá là lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử, một phi vụ lừa đảo có giá trị hàng hóa lớn và nhiều bí ẩn.
Từ tháng 2/2022, 5 DN xuất khẩu điều của Việt Nam thực hiện giao dịch quốc tế qua giải pháp thanh toán D/P (nhờ thu) với 5 ngân hàng Việt Nam.
Theo quy trình, các ngân hàng này nhận bộ chứng từ gốc từ DN và sử dụng dịch vụ chuyển phát DHL để gửi hồ sơ cho các ngân hàng Ý. Khi ngân hàng đối tác nhận chứng từ gốc mới thanh toán tiền hàng về cho các DN xuất khẩu thông qua ngân hàng Việt.
Nhưng kỳ lạ, khi bộ chứng từ tới ngân hàng nước bạn thì toàn bộ 36 phong bì bên trong đều là bản photocopy. Không hiểu hồ sơ gốc mất ở giai đoạn nào.
Vì không phải chứng từ gốc nên ngân hàng Ý không chấp nhận thanh toán 162 tỷ tiền hàng. Trong khi đó, bộ chứng từ rơi vào tay bất kỳ ai thì họ đều có thể tới cảng lấy lô hàng của Việt Nam. Chỉ ít ngày nữa, toàn bộ hơn 30 container đang trên biển sẽ cập cảng tại Ý. Đây là điều đáng lo và các DN Việt Nam gần như không còn thời gian.
Khối ngân hàng Việt xác nhận đều gửi chứng từ gốc qua hãng chuyển phát nổi tiếng toàn cầu DHL. Các ngân hàng khẳng định, hiện không có sự phàn nàn hoặc cảnh báo nào về tai tiếng của DHL. Đây là dịch vụ chuyển phát tốc độ nhanh và tốt trên thế giới. Phân tích lộ trình từ Việt Nam của 36 bộ chứng từ, các bên liên quan đưa ra hai giả thiết hợp lý nhất đến hiện tại.
Một, bộ chứng từ 162 tỷ bị thay đổi, đánh tráo hoặc đánh mất do bộ phận chuyển phát nhanh của DHL. Tổ chức tội phạm bằng cách nào đó tác động vào thời điểm này.
Hai, DHL hoàn thành vận chuyển chứng từ nhưng khi tới ngân hàng Ý đã bị đánh tráo ngay thời điểm đó, dẫn đến sai lệch toàn bộ bản chất giao dịch.
DHL là đơn vị chuyển phát thực hiện vận chuyển 36 bộ chứng từ gốc (ảnh minh họa)
Vinacas cho rằng, trách nhiệm thuộc về các ngân hàng Việt, vì chính họ chọn DHL là đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển phát và khiến hàng chục hồ sơ bỗng dưng biến mất.
Một điểm đáng chú ý, các container điều được vận chuyển không phải chỉ đến một cảng lớn tại Ý mà theo yêu cầu của khách, mà còn tới những cảng rất xa xôi, hẻo lánh cách xa cả nghìn km so với thành thị. DHL giải trình, chỉ nhận chứng từ gốc và giao ở các TP lớn; khi chuyển đến các địa điểm nhỏ, xa thì họ lại ủy thác việc chuyển phát cho một số đơn vị dịch vụ hợp tác khác. DHL không nhận chuyển phát tới những nơi quá xa như vậy.
Ở một diễn biến khác, trong khi các ngân hàng Việt đã có buổi làm việc với Vinacas trong sáng 9/3 thì chỉ có duy nhất hãng tàu biển quốc tế Cosco chịu ngồi lại trao đổi.
Dẫu vậy, Cosco cho biết, theo thông lệ quốc tế, nếu hàng cập cảng tại Ý mà không giao cho người có chứng từ gốc thì chính Cosco sẽ bị khởi kiện. Đây là nguyên tắc thương mại cần được tuân thủ. Bất chấp việc họ đã nắm thông tin người nhận hàng là giả mạo.
Các đơn vị đều nhận định, có tổ chức tội phạm đã tác động vào phi vụ siêu lừa này. Tinh vi ở chỗ, thị trường Ý vốn không phải là thị trường lớn tiêu thụ điều của Việt Nam, nhưng các đơn hàng lại được thu mua và rải đi nhiều DN tại Ý chứ không phải một đầu mối duy nhất. Điều này khiến các DN xuất khẩu Việt Nam chủ quan, không đặt nghi vấn từ đầu.
Về phía Công ty Kim Hạnh Việt – đơn vị môi giới bán lô hàng trên, chủ đại diện DN này hiện đang định cư tại Hoa Kỳ và trước giờ là một DN làm ăn bình thường, không có cảnh báo lừa đảo nào với Vinacas.
Trong khi đó, các thành viên của Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) cũng đã trực tiếp gặp Đại sứ Ý tại Hà Nội để nhờ thông qua kênh ngoại giao, tác động tới các cơ quan nước bạn, nơi các container hàng sẽ cập cảng để có biện pháp trì hoãn, giúp DN và ngân hàng Việt Nam có đủ thời gian đưa ra các bằng chứng pháp lý về sở hữu lô hàng. Thời gian không còn nhiều.
Dù văn bản “cầu cứu” đã được Vinacas gửi đi nhiều nơi nhưng đây là giao dịch theo quy tắc thương mại quốc tế nên chưa chắc Chính phủ Việt Nam có thể tác động làm thay đổi tình hình.
Trần Chung
( Theo vietnamnet.vn )